Những năm qua, thực hiện các dự án khuyến nông trên địa bàn 4 cụm bản của hai tỉnh Xiêng Khoảng và Xay Xổm Bun, nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên (TNHH MTV) Khoáng sản và Luyện kim Viêng Chăn (Tổng công ty Hợp tác kinh tế Quân khu 4) đã có nhiều mô hình hiệu quả, giúp nhân dân nước bạn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị giữa hai đất nước...
Chúng tôi đến cụm bản Nậm Xiểm, huyện Phả Xay (Xiêng Khoảng, Lào) khi các cán bộ, nhân viên Công ty TNHH MTV Khoáng sản và Luyện kim Viêng Chăn đang cùng bà con dân tộc Lào hối hả với công tác thu hoạch trên những cánh đồng dong riềng. Củ dong sau khi đào lên, được bà con cắt sạch rễ, cho vào các bao tải, chất đầy lên những chiếc xe công nông nối đuôi nhau hướng về Nhà máy chế biến dong riềng Nậm Xiểm. Tiếng cười nói râm ran, tiếng máy chạy rào rào như hòa quyện, lan tỏa khắp không gian.
Trở lại đây sau hai năm, sự đổi thay của cụm bản khiến chúng tôi khá ngỡ ngàng. Nhờ có dự án phát triển và thu mua củ dong riềng làm nguyên liệu sản xuất miến và tinh bột dong, đời sống bà con nơi đây có nhiều khởi sắc. Không chỉ đủ ăn, đủ mặc, nhiều gia đình đã mua được xe ô tô bán tải, xe công nông, xây được nhà mới... Anh Giàng Nhia Phụng, người dân tộc Mông ở bản Nậm Xiểm, huyện Phả Xay, phấn khởi chia sẻ: "Có nhà máy sản xuất miến dong, vợ chồng tôi đã trồng thêm củ dong riềng. Nhờ đó có tiền để mua ô tô tải, xây được nhà, có tiền cho con ăn học, cuộc sống khá lên nhiều".
Khu sản xuất miến dong của nhà máy mùa này luôn hoạt động hết công suất. Cán bộ, nhân viên nhà máy tất bật với công tác thu mua, sản xuất để kịp cho ra đời những mẻ miến và tinh bột dong thơm ngon, bổ dưỡng. Đại tá Nguyễn Anh Thành, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khoáng sản và Luyện kim Viêng Chăn cho biết: "Năm 2010, sau một thời gian nghiên cứu, khảo sát, nhận thấy giống cây dong riềng Việt Nam thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của nước bạn, công ty đã phối hợp với chính quyền và nhân dân địa phương phát triển cây dong riềng tại bản Nậm Xan, huyện Loong Chẹng, tỉnh Xay Xổm Bun, làm nên thương hiệu Miến dong Nậm Xan, có mặt ở nhiều thị trường Lào, Việt Nam và nước ngoài".
Từ kết quả đạt được, đến nay, công ty đã mở rộng vùng nguyên liệu đạt hơn 200ha, với sản lượng bình quân từ 45 đến 50 tấn/ha; quy mô lên 3 nhà máy sản xuất miến và tinh bột dong tại bản Nậm Xan, Nậm Xiểm, Mường Om với hệ thống dây chuyền sản xuất đồng bộ, hiện đại. Hằng năm, mỗi nhà máy trung bình tiêu thụ hơn 1.000 tấn củ dong riềng; đủ năng lực sản xuất được 90 tấn miến dong; khi cần thiết có thể tăng công suất nhà máy lên hơn 2.800 tấn củ/năm; tạo công ăn việc làm cho hàng trăm hộ dân, với thu nhập bình quân khoảng 25 triệu kíp/vụ 7 tháng, tương đương khoảng 50 triệu đồng Việt Nam.
Đứng chân trên địa bàn các cụm bản có hơn 90% là đồng bào dân tộc Mông, điều kiện kinh tế-xã hội còn khó khăn, nhiều hủ tục, bên cạnh phát huy hiệu quả dự án trồng dong riềng, công ty còn thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy, chính quyền địa phương giúp bạn sửa chữa, nâng cấp cụm bản; phòng, chống dịch Covid-19, xây nhà tình nghĩa, tặng cây giống, con giống, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân...
Đồng chí Bun Ma Xủ Nhạ Vông, Bí thư, Chủ tịch huyện Phả Xay nhấn mạnh: "Thời gian qua, nhờ có các dự án kinh tế và sự giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời của công ty, đặc biệt là dự án trồng cây dong riềng đã giúp nhân dân địa phương có công ăn việc làm ổn định. Trồng cây dong riềng có hiệu quả cao hơn các loại cây trồng khác, nhờ đó mà cuộc sống người dân khá lên, nhiều người thoát nghèo, không còn cảnh bữa no, bữa đói. Bà con biết ơn công ty nhiều lắm". Lãnh đạo địa phương nước bạn bày tỏ mong muốn công ty có thêm nhiều dự án, tiếp tục mở rộng sản xuất, hỗ trợ người dân trong canh tác, thiết thực giúp đỡ địa phương và nhân dân xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống; góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, thắt chặt mối quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết đặc biệt hai nước Việt-Lào anh em.
Bài và ảnh: HOÀNG THÁI