COECCO - Những năm qua, thực hiện các dự án khuyến lâm trên địa bàn nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, Công ty Cổ phần Công nghiệp Cao su COECCO (Tổng công ty Hợp tác kinh tế Quân khu 4) đã thành công trong việc đưa giống cây cao su Việt Nam sang trồng trên đất Lào, giúp nhân dân nơi biên giới nước bạn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo hiệu quả.
Mới đây chúng tôi có chuyến công tác đến thăm nông trường cao su của Công ty Cổ phần Công nghiệp Cao su COECCO ở huyện Pakkading, tỉnh Bolikhamsai (Lào). Mới sáng sớm nhưng các công nhân người Lào đã có mặt trút những bát mủ sóng sánh vào thùng, đưa về nơi tập kết cạnh con đường lớn. Anh Điêu Vông Pha Chăn, trú tại bản Xong Mường Nưa (huyện Nong Bok, tỉnh Khammouane) hồ hởi khoe: “Vợ chồng tôi làm cho công ty được 9 năm rồi. Công ty xây nhà, bố trí chỗ ăn, nghỉ ngay tại nông trường rất thoải mái, có đầy đủ điện, nước; khi ốm đau còn được bác sĩ đến khám, cấp thuốc miễn phí. Từ ngày làm công nhân cho công ty, cuộc sống của gia đình tôi đã tốt hơn, vợ chồng đã mua được máy cày, ô tô, xây được nhà mới”.
Còn với anh Xiêng Liêng, ở bản Na Xẳng (huyện Pakkading) trước đây gia đình anh thuộc diện hộ nghèo, thu nhập chủ yếu dựa vào săn bắt, hái lượm, nhà lại đông con khiến cuộc sống càng thêm thiếu thốn. Từ khi có dự án trồng cao su của công ty, vợ chồng anh đã xin vào làm công nhân cạo mủ, nhờ đó cuộc sống hết khó khăn. Chia sẻ với chúng tôi, anh Xiêng Liêng cho biết: “Công ty đã tạo công ăn việc làm cho chúng tôi. Ngoài tiền lương, thưởng, gia đình tôi còn thường xuyên được công ty thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm nhân dịp lễ, tết... Các con của tôi cũng đã xin vào làm công nhân của công ty. Trước đây gia đình không có đủ gạo để ăn, nhưng nay sống thoải mái rồi”.
Mang theo niềm vui của những công nhân người bản địa đến nhà máy chế biến mủ cao su của Công ty Cổ phần Công nghiệp Cao su COECCO cách đó không xa. Thời điểm này đang mùa thu hoạch mủ nên trong nhà máy, công nhân tất bật với công việc, tiếng động cơ của dây chuyền sản xuất chạy không ngừng. Đại úy Nguyễn Duy Anh, Tổng giám đốc công ty cho biết, ở Lào mùa cạo mủ cao su bắt đầu từ tháng 4 đến cuối năm. Dịp từ tháng 1 đến tháng 3 hằng năm là mùa khô, công ty tập trung chăm sóc, dưỡng cây và phòng, chống cháy. Còn tháng 6 đến tháng 8 bước vào mùa mưa nên sản lượng thấp; sản lượng mủ và thu nhập đạt cao nhất vào những tháng cuối năm. Trước đây, khu vực này là một vùng rừng núi hoang vu, dân cư thưa thớt. Năm 2006, sau khi khảo sát chất đất và khí hậu, thời tiết, dự án đưa cây cao su từ Việt Nam sang trồng ở mảnh đất này được triển khai thực hiện. Đến năm 2007, sau khi trồng thử nghiệm thành công, Công ty Cổ phần Công nghiệp Cao su COECCO được thành lập.
Pakkading là huyện biên giới, chủ yếu là người Lào Lùm và Lào Sủng sinh sống, nhiều tập quán còn lạc hậu, kinh tế và giao thông kém phát triển, an ninh trật tự khá phức tạp, đặc biệt các thế lực phản động thường xuyên chống phá. Những ngày đầu mới qua khởi nghiệp, cán bộ, nhân viên công ty chưa thành thạo tiếng bản địa nên gặp rất nhiều khó khăn. Qua 15 năm kiên trì nỗ lực, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đến nay công ty đã phát triển diện tích cao su lên 2.008ha, gồm 2 nông trường và 1 nhà máy chế biến mủ cao su năng suất đạt 4.500 tấn/năm; giải quyết việc làm cho hơn 500 lao động Lào, với thu nhập bình quân 2,5 triệu kíp/người/tháng (tương đương 5 triệu đồng Việt Nam). Lợi nhuận năm 2021 của công ty đạt hơn 17 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2022 đạt hơn 4,5 tỷ đồng. Dự án đã giúp nhân dân bản địa có việc làm ổn định, tăng thu nhập, khắc phục được tình trạng đốt rừng làm rẫy, di canh, di cư tự do, góp phần ổn định tình hình địa bàn vùng biên.
Đồng chí Phu Khầu Ngân, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Pakkading nhấn mạnh: “Chúng tôi đánh giá cao vai trò và hiệu quả dự án trồng cây cao su của Công ty Cổ phần Công nghiệp Cao su COECCO đang triển khai ở địa phương. Dự án đã giúp bà con có việc làm, thu nhập ổn định, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng cụm địa bàn an toàn, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, phát triển, thắt chặt mối quan hệ, tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Lào”.
Bài và ảnh: HOÀNG THÁI