LĨNH VỰC KINH DOANH
Xây dựng
Rà phá bom mìn
Bất động sản
Khoáng sản
Vật liệu xây dựng
Du lịch - dịch vụ
Nông Lâm ngư
THÔNG BÁO TUYỂN DỤNG
Tổng công ty Hợp tác kinh tế tuyển dụng
VIDEO CLIPS
Video
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào đón tiếp đoàn công tác Bộ Tư lệnh Quân khu 4
Công ty TNHH MTV Khoáng sản và Luyện kim Viêng Chăn và Công ty xây dựng COECCO Lào hoàn thành tốt các nội dung kiểm tra
Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và Tổng công ty Hợp tác kinh tế thăm, kiểm tra và chúc Tết các đơn vị ở Lào
Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và Tổng công ty Hợp tác kinh tế thăm, kiểm tra và chúc Tết các đơn vị ở Lào
Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và Tổng công ty Hợp tác kinh tế thăm, kiểm tra và chúc Tết các đơn vị ở Lào
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC
 
TIN TỨC | TIN TỨC COECCO
Chuông vang xứ Lào (phần 2)
Tin đăng ngày: 7/7/2010 - Xem: 14535
 
 
Khai thác mỏ thạch cao tại Thà-khẹc, tỉnh Khăm-muộn. Ảnh: Hùng Hương

Chiều. Nắng như rót mật xuống dòng Mê Công, tãi loang lổ xuống những thảm cỏ, rừng cây khát nước. Thời điểm ấy vẫn đang cuối mùa khô. Nhiều dáng thụ mộc trụi lá khẳng khiu. Những cánh đồng sau vụ gặt chỉ còn trơ rạ, khô nỏ. Xe chạy tiếp theo quốc lộ 13, rồi rẽ vào một con đường đất đỏ, bụi nống lên mù mịt. Nơi chúng tôi đến là nhà máy sản xuất phân bón thuộc Công ty Phát triển Khoáng sản, cũng là một đơn vị thành viên của Công ty Hợp tác kinh tế Quân khu 4. Nhà máy này được xây dựng từ năm 2001, trước đây thuộc quyền quản lý của Sở công nghiệp tỉnh Khăm-muộn. Nhưng mới chỉ xây dựng xong phần thô thì phải bỏ dở vì thiếu vốn. Công ty Hợp tác kinh tế Quân khu 4 quyết định đầu tư 100% vốn, tiếp tục xây dựng công trình với mục tiêu là sản xuất bằng được các loại phân bón phục vụ ngành nông nghiệp nước bạn.

Giám đốc nhà máy Lê Anh Tuấn quê Nghệ An, tuổi đời khoảng ngoài 40, da đen nhẻm, đã nhiều năm lăn lộn trên đất bạn Lào, nói:

- Công ty chính thức đầu tư từ năm 2005, sau hơn một năm thì sản xuất được 20 tấn hàng đầu tiên. Nếu hoạt động hết công suất, nhà máy có thể sản xuất được 150.000 tấn phân bón tổng hợp NPK các loại. Hiện năng lực tiêu thụ của nhà máy được khoảng 60% công suất. Nước Lào đất rộng, người thưa, có thế mạnh về nông nghiệp. Thời gian tới chúng tôi sẽ sản xuất phân hữu cơ cho từng loại cây như cây công nghiệp, cây ăn quả, lương thảo, hoa màu…

Rồi anh đưa chúng tôi xuống xưởng. Những cỗ máy to, dài nằm ngạo nghễ. Những bao hàng xếp gọn gàng chất ngất. Ngoài sân, vài chiếc xe tải cỡ lớn đang chờ lấy hàng. Tuấn cười hiền:

- Bước đầu người dân đã tin tưởng sử dụng phân bón do chúng tôi sản xuất. Nếu quy mô được mở rộng, nhà máy sẽ tuyển dụng thêm lao động địa phương vào làm việc.

Rời Nhà máy sản xuất phân bón, chúng tôi lại lên đường. Chiếc Cam-ry sau một ngày quăng quật trên những con lộ xấu đã nhem nhuốc bụi đường. Sau nhiều cung đường, rẽ trái, quẹo phải, xe đỗ xịch trước một khu đất rộng, xung quanh đồi trọc nhấp nhô, loang lổ màu đất đỏ ba-dan. Đây chính là mỏ khai thác khoáng sản của Công ty phát triển khoáng sản (Mideco), nằm trên địa bàn xã Na-đôn, huyện Thà-khẹc, tỉnh Khăm-muộn. Đã cuối chiều, không khí lao động vẫn rất khẩn trương. Tiếng máy xúc, máy ủi, xe tải, cần cẩu làm náo động cả một vùng.

Giám đốc công ty Phạm Hùng Thắng quê ở huyện Từ Liêm (Hà Nội), thân hình chắc nịch, khuôn mặt rám nắng, đón chúng tôi bằng nụ cười lấp lóa:    

-  Công ty chúng tôi hiện có gần 100 cán bộ, công nhân viên, hoạt động theo hình thức liên doanh với bạn. Nhiệm vụ chủ yếu là tiến hành khảo sát, thăm dò, khai thác khoáng sản tại Thà-khẹc. Ngoài ra, còn sản xuất phân vi sinh, sản xuất vật liệu xây dựng cung cấp cho thị trường Lào.

Hồi ấy, Thắng mới 32 tuổi nhưng đã 3 năm giữ cương vị giám đốc. Anh đã sang Lào công tác được gần 6 năm, thỉnh thoảng mới về Việt Nam công tác và thăm vợ con ở Thủ đô. Chỉ tay vào một đống đá màu trắng nhạt vừa được bóc gỡ khỏi lòng đất, Phạm Hùng Thắng cho biết:

- Chúng tôi đang khai thác thạch cao. Mỏ này rộng gần 83 héc-ta, có trữ lượng khoảng 10 triệu tấn. Theo thỏa thuận giữa ta và bạn, thời gian khai thác của công ty tại đây là 60 năm. Công suất khai thác dự kiến khoảng 500 tấn/năm. Tuy nhiên, vào thời điểm này mới chỉ đạt khoảng 100 tấn/năm. Trong tổng lượng khai khác, thị trường Lào chỉ tiêu thụ khoảng 5%, còn lại là chuyển về Việt Nam.

Thạch cao là một loại khoáng sản quý, là nguyên liệu tạo ra clanh-ke trong sản xuất xi măng. Hiện nay, trong nước vẫn phải nhập khẩu vật liệu này. Công ty Hợp tác kinh tế Quân khu 4 đang có chỗ đứng vững chắc tại Lào.

Tôi và Thắng đang trò chuyện thì một người đàn ông khoảng 50 tuổi từ triền đồi đi xuống. Theo lời giới thiệu của Phó giám đốc công ty Nguyễn Duy Hồng, thì đó là ông Chum-ma-ni-chăn, Phó trưởng bản Na-đôn, huyện Thà-khẹc.

Tôi nhờ anh Hồng phiên dịch:

- Ông có suy nghĩ gì về cán bộ, công nhân Việt Nam?

- Anh em tốt lắm. Sống có nghĩa, có tình và rất vui vẻ. Ngày xưa, khi bộ đội tình nguyện còn ở bên này, các anh cũng rất gắn bó với bà con người Lào như vậy. Nhiều người trở thành con nuôi bên này đấy!

-  Ông nghĩ sao khi thấy công ty Việt Nam sang Lào làm kinh tế?

- Nói thật, lúc đầu một số người dân không ủng hộ đâu. Cứ thấy máy móc chạy ầm ầm, khoét đồi lấy đá, rồi đánh ô tô đến chở mang đi. Sau được giải thích rằng khai thác khoáng sản cả hai bên cùng có lợi và người dân Lào sẽ vào đây làm, có thu nhập, đời sống khá lên. Tôi nghĩ, “đá trắng” để mãi dưới lòng đất thì phí lắm, phải lấy lên, biến nó thành tiền thôi. Nay thì mọi người đã hiểu rõ rồi.

Nhắc tới Việt Nam, ông Chum-ma-ni-chăn chỉ có hai nguyện vọng. Thứ nhất mong có dịp được sang Việt Nam nghỉ mát, tắm biển. Và thứ hai, trong số 7 đứa con, ông mong muốn sẽ có một đứa được sang Việt Nam du học. Ông bảo: “Ở bản Na-đôn, ai đi du học ở Việt Nam về cũng rất thành đạt”.

Tối hôm ấy, giám đốc Phạm Hùng Thắng hào phóng đãi chúng tôi nhiều món lạ, trong đó có thứ cá chép mà thịt của nó rất thơm, chắc, ngậy được bắt lên từ dòng Mê Công. Nhạc dặt dìu trầm bổng. Men rượu nồng nàn chuếnh choáng. Những thiếu nữ Lào vai tròn lẳn, nhún nhảy mời gọi. Tôi lóng ngóng, vụng về cuốn theo vũ điệu lăm-vông…

                                                               ***

Quay trở lại Lào vào đầu tháng 6-2009 vừa qua, tôi có ý tìm gặp lại những người quen cũ. Nhưng rất tiếc, thời gian không đủ để tôi gặp họ.

Tôi và Đại tá Phạm Văn Bình, Phó trưởng phòng Kinh tế đối ngoại, thuộc Cục Kinh tế - Bộ Quốc phòng dường như rất “hữu duyên” khi lại gặp nhau ở Lào và cùng lưu trú ở khách sạn Chơ-lơn-say. Lúc rảnh, tôi và anh thường hay “lang thang bát phố”...

Một lần tôi tò mò hỏi:

- Nếu đánh giá một cách thực chất thì hiệu quả các dự án mà doanh nghiệp quân đội đầu tư sang Lào như thế nào anh? 

Đại tá Bình trả lời:

- Cho đến thời điểm này đa số các dự án của doanh nghiệp quân đội tại Lào đang hoạt động có hiệu quả, được phía Lào đánh giá cao, đặc biệt là các dự án của Công ty Hợp tác kinh tế Quân khu 4. Tổng giá trị nhận thầu các công trình dân dụng, khai thác khoáng sản, chế biến lâm sản của doanh nghiệp này trong năm 2008 ước đạt 14 triệu USD. Năm nay có thể sẽ cao hơn. Hiện Công ty đang tiếp tục đầu tư gần 656.000USD vào lĩnh vực kinh doanh dịch vụ, khách sạn, lữ hành.

Những thông tin mà Đại tá Phạm Văn Bình cung cấp dù sao cũng giới hạn trong phạm vi “kinh tế ngành”. Nếu xét ở tầm vĩ mô, hoạt động hợp tác đầu tư sang Lào của các doanh nghiệp Việt Nam còn sôi động hơn nhiều. Trong buổi tiếp đoàn cán bộ Tổng cục Công nghiệp quốc phòng đến thăm cơ quan Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, Đại sứ Tạ Minh Châu đánh giá: “Sự hợp tác kinh tế giữa hai nước đang phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu. Năm ngoái, Sứ quán Việt Nam tại Lào đã đón tiếp hơn 300 đoàn từ trong nước sang thăm, làm việc. Một trong những ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ công tác của tôi lần này là góp phần phát triển kinh tế hai nước, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Lào. Chúng tôi sẽ thực hiện đúng phương châm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước: Coi việc hợp tác phát triển kinh tế là tiền đề quan trọng để thúc đẩy quan hệ chính trị giữa hai nước”.

Anh Trần Bảo Toàn, Tham tán kinh tế nói riêng với tôi:

-  Nếu xét về tổng số vốn của nước ngoài đầu tư vào Lào thì Việt Nam đứng thứ ba sau Thái Lan và Trung Quốc. Riêng năm 2008 và 5 tháng đầu năm nay, Việt Nam đang dẫn đầu. Thông qua con đường ngoại giao chính thức, hiện có khoảng 160 công ty có quan hệ làm ăn với Lào, chủ yếu 100% vốn của các doanh nghiệp Việt Nam. Cơ quan Đại sứ quán sẽ là cầu nối cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Lào. Thời gian tới, Đại sứ quán sẽ tổ chức gặp mặt tất cả các doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động tại Lào để lắng nghe, tìm hiểu, qua đó tham mưu, đề xuất với lãnh đạo hai nước giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang đây.

Vẫn theo anh Trần Bảo Toàn, đối với nhiều doanh nghiệp nước ta, Lào được xem là một trong những thị trường đầu tư trọng điểm, hiện hơn 50% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp được đổ vào thị trường nước này. Đến nay, đã có 123 dự án đầu tư trực tiếp, tổng số vốn đăng ký lên tới hơn một tỉ USD. Các dự án tập trung vào lĩnh vực thủy điện, thăm dò và khai thác khoáng sản, hoạt động lâm nghiệp, dịch vụ du lịch... Trong đó, công trình xây dựng Nhà máy thủy điện Xê-ka-mẳn 3 (có tổng vốn đầu tư là 247 triệu USD) được xem là một trong những dự án tầm cỡ giữa hai nước. Tiềm năng về phát triển năng lượng tại Lào còn rất lớn. Theo thống kê của phía Lào, trên cả nước có tới 78 điểm khả thi xây dựng thủy điện.

Nghe anh Toàn nói, tôi lẩn thẩn nghĩ, chỉ riêng trong lĩnh vực này thôi, các doanh nghiệp Việt Nam cũng tha hồ có “đất” để… dụng võ!

Tin tức khác:
Tổng Công ty Hợp tác kinh tế tổ chức Hội nghị Quân chính năm 2023 (1/12/2023)
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tư lệnh Quân khu dự, chỉ đạo Hội nghị Đảng ủy Tổng công ty Hợp tác kinh tế (30/11/2023)
Thông báo kết quả bán đấu giá MMTB gói số 2 (29/9/2022)
Thông báo bán đấu giá Máy móc thiết bị gói số 02 (19/9/2022)
Thông báo bán đấu giá máy móc thiết bị thanh lý năm 2022 (7/9/2022)
Giải thể thao chào mừng 77 năm Cách mạng tháng 8 và quốc khánh 02 tháng 9 (5/9/2022)
Giúp bạn nghĩa tình, thiết thực (5/9/2022)
Thầy thuốc Việt trên đất Lào (5/9/2022)
Những công trình thắm tình hữu nghị trên đất bạn (5/9/2022)
Việc nghĩa, việc tình trên biên giới Việt - Lào (5/9/2022)
Giúp bạn Lào phát triển kinh tế vùng biên (5/9/2022)
Tổng công ty Hợp tác kinh tế tổ chức Chương trình" Tết Sum vầy - Xuân Bình an" năm 2022 (19/1/2022)
Công đoàn cơ sở Công ty cổ phần Gạch ngói 30-4 đã tổ chức Chương trình “Tết sum vầy - Xuân bình an” năm 2022 (14/1/2022)
Thông báo Kết quả bán đấu giá tài sản thanh lý năm 2021 (10/1/2022)
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào đón tiếp đoàn công tác Bộ Tư lệnh Quân khu 4 (6/1/2022)
 
   
Tổng Công ty Hợp tác Kinh tế COECCO
Địa chỉ: Số 187 Lê Duẩn - Thành phố Vinh - Nghệ An
Điện thoại: (84-38) 3558.558 - Fax: 3558.888 - Email: coecco@gmail.com
© Bản quyền thuộc Tổng công ty hợp tác kinh tế Coecco - Thiết kế bởi TVC Media
Today: 15
Total: 3036308