|
Khách sạn Pác-san do công ty Hợp tác Kinh tế Quân khu 4 đầu tư xây dựng tại tỉnh Bô-li-khăm-xay. Ảnh: Hùng Hương |
Từ Nội Bài (Hà Nội), chỉ sau vài chục phút bay, nước Lào hiện dần dưới mắt tôi với những thảm xanh của núi rừng, đồng ruộng, cỏ cây... Dòng sông Mê Công phẳng lặng, hùng vĩ chảy qua 6 quốc gia, từ trên cao nom mềm mại như một dải lụa sáng màu.
Lâu nay, tôi được biết Lào là đất nước Triệu Voi, Vạn Tượng hay là xứ sở của hoa Chăm-pa. Tôi cũng hiểu, trong ký ức của thế hệ những người Việt Nam cầm súng, nước Lào luôn gợi nhớ tới chiến trường C nổi tiếng. Nhiều người Việt Nam cũng như Lào đã coi nhau như anh em một nhà.
Thủ đô Viêng Chăn đẹp một cách yên ả, thanh bình. Tôi quan sát, có rất ít ngôi nhà cao tầng. Trên vỉa hè, khu công viên, vườn hoa, điểm vui chơi công cộng… không thấy có người bán báo, đánh giày, bán hàng rong hay xe ôm, quán cóc! Phương tiện đi lại của người dân chủ yếu bằng xe ô tô bán tải, xe máy và xe tuk-tuk (giống xe lam ở Việt Nam). Dòng người, xe tuần tự theo nhau, đường phố không hề thấy cảnh ách tắc giao thông. Lần đầu tiên được sang Lào, hai cô gái Hà Nội là Trần Ngọc Lan và Nguyễn Phan Khánh Phương, làm việc tại Công ty Vật tư Công nghiệp quốc phòng (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng), tỏ vẻ thú vị trước cảnh người dân chấp hành luật lệ giao thông một cách hết sức tự giác. Họa hoằn lắm mới có một chiếc xe máy phóng nhanh. Hai cô gái bíu áo nhau: “Chắc người này mới từ Việt Nam sang” - rồi khúc khích cười.
Trên những nẻo đường tôi đi, hiển hiện những khu công nghiệp, khách sạn, trường học, bệnh viện, nhà hàng… đang từng ngày mọc lên. Nhân dân các bộ tộc Lào đang trong quá trình đẩy mạnh công cuộc phát triển kinh tế đất nước, từng bước hội nhập với khu vực và thế giới. Ở góc ngã tư Trung tâm thành phố Viêng Chăn, hướng rẽ ra đường 23 Singha (nơi đặt trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Lào), tôi thấy một bảng điện tử rộng khoảng 40 mét vuông hiện dòng chữ “189 ngày”. Si-som-phết, một người bạn Lào, giải thích với tôi: “Đây là chiếc đồng hồ đếm ngược. Con số trên bảng điện tử chính là khoảng cách từ nay đến khi diễn ra Lễ khai mạc SEA Games 25”.
Si-som-phết mới 40 tuổi, hiện đang là Trưởng phòng Quan hệ cộng đồng, thuộc Công ty Phu-luông (liên doanh giữa Công ty Vật tư Công nghiệp quốc phòng Việt Nam và Cục Công nghiệp quốc phòng Lào). Anh từng theo học nhiều năm tại Học viện Kỹ thuật quân sự, đã có bằng thạc sĩ, trước khi về nước đã kịp cưới một cô vợ Hà Nội. Mặc dù đã làm đến chức Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Kỹ thuật Lào, nhưng khi Công ty liên doanh Phu-luông được thành lập, Si-xom-phết quyết định ra… làm ngoài. Anh nói:
- Anh Trần Mạnh Hùng, giám đốc Công ty liên doanh Phu-luông là bạn học với tôi ở Việt Nam. Khi có quyết định thành lập doanh nghiệp, anh Hùng bảo tôi ra làm cùng “cho vui”. Thôi thì, làm anh công chức mãi cũng thấy mòn mỏi! Vì vậy tôi muốn thử sức mình trong môi trường doanh nghiệp. Đang hưởng lương biên chế Nhà nước, bây giờ hoạt động kinh doanh lời ăn, lỗ chịu, đã dấn thân thì phải chấp nhận thôi.
Qua trò chuyện với Si-som-phết và các đồng nghiệp Lào, tôi biết Chính phủ và nhân dân nước bạn đặc biệt quan tâm đến sự kiện Đại hội Thể thao lớn nhất khu vực Đông Nam Á, mọi công tác chuẩn bị đang gấp rút hoàn thành. Tại quận Xay-tha-ni (Viêng Chăn), Khu Liên hợp thể thao quốc gia (với tổng diện tích khuôn viên rộng 125ha) bề thế, hiện đại đã mọc lên. Ðây sẽ là địa điểm diễn ra Lễ khai mạc và bế mạc SEA Games 25. Trung tâm Huấn luyện thể thao (mới) được xây dựng trên diện tích 11ha tại quận Na-xai-thong với tổng giá trị 35 triệu kíp Lào (tương đương 4 triệu USD), làng vận động viên, các khu vực thi đấu, trung tâm báo chí… cũng đã cơ bản hoàn thành. Nhiều công trình do Việt Nam đầu tư, giúp đỡ và trực tiếp thi công. Trong đó, Làng vận động viên do Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai đầu tư 19 triệu USD, có 4 triệu USD là tài trợ không hoàn lại và 15 triệu USD cho vay thời hạn 3 năm không xác định lãi suất.
Có thể nói, dấu ấn Việt Nam không chỉ thể hiện cụ thể trong các công trình phục vụ SEA Games 25, mà qua rất nhiều chương trình hợp tác phát triển kinh tế giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Lào. Tại khách sạn Chơ-lơn-xay nơi tôi ở, trong cầu thang máy, phòng nghỉ, quầy lễ tân đều thấy những bảng hướng dẫn ghi bằng ba thứ tiếng Lào, Việt và Anh. Một trong những lý do là khách sạn này thường xuyên đón đại diện các cơ quan, doanh nghiệp từ Việt Nam sang công tác. Điều đáng mừng là trong số này, có các doanh nghiệp quân đội.
Chuyện làm kinh tế là chủ đề được nhắc đến nhiều tại hầu hết các cuộc gặp giữa các đoàn hai nước. Trong buổi tiếp Đoàn đại biểu Tổng cục Công nghiệp quốc phòng mà tôi có dịp tham gia, Thiếu tướng E-sa-mảy Lương-văn-xay, Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Quân đội nhân dân Lào nhận xét:
- Các doanh nghiệp Lào nhìn chung là ít vốn, kỹ năng quản lý, nguồn nhân lực, trình độ công nghệ cũng còn nhiều hạn chế. Chính phủ Lào đã có những chính sách phù hợp và tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang. Tôi thấy, nhiều doanh nghiệp đang hoạt động rất hiệu quả, trong đó phải kể đến Công ty Hợp tác kinh tế Quân khu 4. Doanh nghiệp quân đội này đã có mặt tại Lào hàng chục năm nay.
Tôi không bất ngờ khi nghe tướng Lương-văn-xay nhắc đến tên Công ty Hợp tác kinh tế Quân khu 4, bởi vì doanh nghiệp này thực sự là một “đại gia” trên đất bạn về tầm ảnh hưởng, hiệu quả đầu tư trên nhiều lĩnh vực như trồng cây công nghiệp, xây dựng, khai thác khoáng sản, kinh doanh khách sạn, dịch vụ du lịch… Công ty hiện có tới 5 đơn vị thành viên hoạt động bên Lào như Công ty Du lịch Trường Sơn, Công ty Phát triển khoáng sản, Công ty xây dựng COECCO-Lào...
Cách đây gần ba năm, lần đầu tiên sang Lào, tôi đã may mắn được đến xem ba công ty “con” này làm kinh tế trên nước bạn. Chuyến đi ấy cùng chuyến đi đầu tháng 6-2009 vừa qua giúp tôi hiểu hơn tầm vóc của mối quan hệ đối tác đặc biệt Việt - Lào…
Đó là vào khoảng đầu tháng 12-2006, nhân dịp sang tác nghiệp tại Hội chợ Thương mại Việt - Lào tổ chức ở Thủ đô Viêng Chăn, tôi được Đại tá Phạm Văn Bình, Phó phòng Kinh tế đối ngoại, Cục Kinh tế (Bộ Quốc phòng) mời xuống thăm một số doanh nghiệp Việt Nam có dự án đầu tư sang Lào. Điểm đến là tỉnh Khăm-muộn và Bô-li-khăm-xay, nơi các doanh nghiệp thành viên của Công ty Hợp tác kinh tế Quân khu 4 đang hoạt động.
Khăm-muộn là một tỉnh thuộc miền Trung nước Lào, cách Thủ đô Viêng Chăn gần 400km về phía nam. Hôm ấy, giám đốc Công ty Du lịch Trường Sơn Nguyễn Cảnh Dương về tận Viêng Chăn đón chúng tôi. Nước Lào có hai mùa mưa-nắng rõ rệt, thời điểm ấy đang là mùa khô, tôi nhìn rất rõ những khoảnh rừng, trảng cỏ, cánh đồng phủ một màu vàng úa. “Ở Lào, cây sau-sau là một loài thực vật được ví như cây dự báo thời tiết - có khả năng chịu hạn tốt, lúc nào cành lá cũng xum xuê, mỗi khi nở hoa là mùa mưa đến” - Ngồi trên xe, anh Dương giải thích với tôi.
Quốc lộ 13 phẳng lì, thẳng tắp nhưng dân cư bám mặt đường còn khá thưa thớt. Thỉnh thoảng tôi mới thấy nhà dân, cái xây bằng gạch, cái làm bằng ván thưng, cái lợp tôn xanh, tôn đỏ. Thậm chí xen lẫn những trảng rừng còn có cả những ngôi nhà làm bằng đất. Nông thôn nước bạn cũng còn nghèo như miền núi nước ta. Đang khuất tầm mắt bởi những cánh rừng lá thấp, tôi bỗng thấy bừng sáng một khu phố thị khá sầm uất. Đây chính là thị xã Pác-san, thủ phủ tỉnh Bô-li-khăm-xay.
Giám đốc Nguyễn Cảnh Dương nói:
- Công ty Du lịch Trường Sơn kinh doanh du lịch, dịch vụ thương mại, lữ hành. Tại thị xã này có khách sạn Pác-san do chúng tôi đầu tư xây dựng. Nghỉ ở đây, một ngày du khách có thể ăn cơm tại ba quốc gia Thái - Lào - Việt. Mặc dù mới đưa vào khai thác nhưng hiện có khá đông khách quốc tế đến đặt phòng. Tôi tin đây sẽ là một khu vực nhiều triển vọng về kinh doanh khách sạn, du lịch.
Đó là một toà nhà ba tầng, kiến trúc mang phong cách đình chùa với mái hình tháp, có đính những viên ngói màu đỏ thẫm. Trên đỉnh tháp được trang trí những hoa văn vô cùng tinh xảo. Pác-san đứng ngạo nghễ giữa những ngôi nhà thấp lè tè. Nhìn nó tôi bỗng liên tưởng đến dáng vẻ kiều diễm của một nàng Bạch Tuyết trước những chú lùn giản dị.
Thấy tôi có vẻ hoài nghi về hiệu quả đầu tư địa ốc tại tỉnh nghèo như Bô-li-khăm-xay, giám đốc khách sạn Đường Minh Toản, giải thích:
- Đúng là các địa phương của bạn còn nghèo, dân số tại tỉnh này chỉ khoảng 54.000 người. Tuy nhiên, trong tương lai, đây sẽ là khu vực phát triển kinh tế, du lịch, thương mại nhiều tiềm năng. Thị xã Pác-san là điểm giao nhau giữa bến phà Xà-ạt của Thái Lan, qua đường 8 tới cửa khẩu Cầu Treo về Hà Tĩnh. Còn nếu đi từ Vinh, qua cửa khẩu Thanh Thủy nối với cảng cửa khẩu Pác-san sẽ ngược lên được thủ đô Viêng Chăn. Khách sạn này được xây dựng chính là để đi trước một bước, sẵn sàng đón nhận các “tua” du lịch từ Việt Nam và Thái Lan sang.
Khoảng 12 giờ trưa chúng tôi đã đến được tỉnh Khăm-muộn. Xe dừng trước khách sạn Mê-kông, cũng thuộc quyền quản lý của Công ty Du lịch Trường Sơn. Khách sạn hướng mặt ra dòng Mê-kông, gió thổi dào dạt. Tôi nhìn rõ những người dân Thái Lan đang cặm cụi bên kia sông.
- Ta nghỉ trưa ở đây. Đầu giờ chiều sẽ tới các doanh nghiệp sản xuất, khai thác mỏ.
Trước khi sang Lào, tôi đã từng tìm hiểu, viết bài phản ánh về công tác đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp quân đội. Nhưng chưa có dịp tận mắt chứng kiến hoạt động các doanh nghiệp làm kinh tế tại Lào. Vì vậy, tôi rất háo hức với chuyến đi hiếm có này.
(Còn nữa)